Thăm nhà máy thông minh tiêu chuẩn Mỹ tại Việt Nam
Phóng viên Báo Công Thương đã có cơ hội “mục sở thị” nhà máy thông minh của GE đặt tại Hải Phòng - một trong rất nhiều dấu ấn mà General Electric (GE), tập đoàn đa quốc gia của Mỹ, để lại tại Việt Nam - với vốn đầu tư 111 triệu đô la Mỹ và tổng giá trị xuất khẩu tính đến thời điểm hiện tại là hơn 1 tỉ đô la Mỹ.
GE Hải Phòng nằm trong “quần thể” các nhà máy lớn tại khu công nghiệp Nomura, khu công nghiệp đầu tiên được xây dựng tại miền Bắc với cơ sở hạ tầng hiện đại đồng bộ trên toàn bộ diện tích 153ha. Nhà máy thông minh là một cụm từ không xa lạ, thế nhưng ít người biết rằng, từ gốc của GE không phải là “Smart Factory” mà là “Brilliant Factory” - một khái niệm độc đáo “cộp mác” GE. Điều này không chỉ thể hiện sức sáng tạo của những nhà nghiên cứu phát triển mà còn là cách tập đoàn này khẳng định mạnh mẽ quyết tâm dẫn đầu trong cuộc chạy đua ở kỷ nguyên số.
Sản phẩm chủ đạo của GE Hải Phòng là máy phát điện, tủ điện cho tua-bin gió và một số sản phẩm cơ khí. 100% các sản phẩm này sau khi sản xuất sẽ được xuất khẩu sang Mỹ và châu Âu - nơi mà yêu cầu về chất lượng là yếu tố tiên quyết. Các sản phẩm này đáp ứng từ 70% - 80% nhu cầu về năng lượng tái tạo trên thế giới.
“Chúng tôi đang vận hành 40 nhà máy trên thế giới. Nếu phải xếp hạng, tôi nghĩ rằng, GE Hải Phòng sẽ thuộc top 10. Chúng tôi đều yêu cầu các tiêu chuẩn nghiêm ngặt với tất cả các nhà máy, về chỉ số an toàn, chất lượng sản phẩm, thời gian giao hàng và chi phí cạnh tranh. Tuy nhiên, quyết định chuyển đổi GE Hải Phòng thành nhà máy thông minh thể hiện rằng, chúng tôi đang đặt nhiều kỳ vọng hơn vào đây. GE Hải Phòng là niềm tự hào của chúng tôi ở Việt Nam” - ông Olivier Fontan- Phó Chủ tịch phụ trách Chuỗi Cung ứng toàn cầu, GE Renewable Energy - chia sẻ.
Đúng như lời chia sẻ, chúng tôi đã có một hành trình ngắn nhưng đầy thú vị tới thế giới của máy móc công nghiệp và công nghệ hiện đại; một thế giới nơi sự tinh giản được chú trọng để giảm thiểu những công việc thừa thãi không cần thiết, nơi các phần mềm quản lý hiện đại được đặt tại từng khu và kết nối với hệ thống để cập nhật dữ liệu vận hành từng giây, nơi con người và robot là những cộng sự ăn ý.
Chúng tôi được dẫn đi tham quan khu gia công, khu chế tạo, kho hàng… Bằng việc áp dụng phần mềm quản lý hiện đại đặt ngay tại từng khu, các kỹ sư tại nhà máy có thể dễ dàng kiểm soát hiệu suất của nhiều thiết bị từ các nhà cung cấp khác nhau ngay trên laptop hoặc máy tính bảng theo thời gian thực. Nhờ các thông số được tổng hợp từng phút và cho phép người dùng lựa chọn thống kê theo giờ, theo tháng, quý…, kỹ sư sẽ biết được máy nào đang hoạt động tốt, máy nào gây ra tình trạng sản phẩm bị chậm, nguyên nhân là do đâu (đang chờ vật liệu, đang bảo trì…), từ đó giúp tăng hiệu suất tới 25% và năng suất lên 15%.
Việc ứng dụng các phần mềm kỹ thuật số trong nhà máy thông minh không chỉ giúp tăng hiệu suất vận hành mà còn góp phần giải quyết vấn đề về môi trường và nguồn lực. Nếu như trước kia, mỗi ngày quản lý đều phải đến từng trạm để kiểm tra, ghi chép thông số trên giấy và nhập dữ liệu thì bây giờ mọi chỉ số đều được cập nhật và lưu trữ, phân tích tự động. Những công việc đòi hỏi thời gian và nhân sự như nhập kho nguyên liệu/thiết bị hay báo cáo mỗi khi bất cứ thiết bị nào gặp sự cố đều được giải quyết nhanh gọn chỉ với vài thao tác và tất cả những bộ phận liên quan đến nắm được thông tin.
Ở một nhà máy thông minh, không chỉ các kỹ sư, quản lý không được “rảnh tay” với giấy tờ các công việc tổng hợp, phân tích một lượng dữ liệu khổng lồ mà công nhân cũng dần được giải phóng bởi những công việc nặng nhọc hoặc đòi hỏi tính chính xác cao.
Điển hình như ở khu chế tạo, nhà máy đang vận hành hai buồng hàn vỏ máy phát để giảm thời gian thay đổi đồ gá và hoàn thiện sản phẩm, trong đó robot hàn phụ trách một buồng và công nhân tay nghề cao “trổ tài” ở buồng còn lại. Việc đưa robot vào ứng dụng hàn không chỉ giúp tăng năng suất hàn tới 30% mà còn giảm thiểu việc người lao động phải tiếp xúc với các thiết bị nguy hiểm và hóa chất độc hại. Bên cạnh robot, nhà máy cũng lắp đặt co-bot, cụ thể là tay nâng không trọng lực, trong khu chế tạo; với sự hỗ trợ từ công nghệ này, công nhân không cần phải bê vác nặng mà chỉ cần di chuyển như đi bộ bình thường cũng có thể nâng những sản phẩm nặng tới 300kg.
Tương tự, những công nhân làm việc ở chuyền pitch sản xuất tủ điều khiển cánh quạt cũng được hỗ trợ bởi các công cụ kỹ thuật số, giúp mọi thứ trở nên dễ dàng hơn. Một trong những công cụ này là súng bắt vít thông minh; với công cụ hiện đại này, lực bắt vít đã được cài đặt sẵn, chỉ khi một con vít được bắt đúng, đạt yêu cầu thì công nhân mới có thể chuyển sang con vít tiếp theo. Số lượng vít cũng hiển thị trực tiếp khi công nhân thực hiện thao tác, đảm bảo không xảy ra lỗi như vít không chặt hay thiếu vít.
Bên cạnh GE Hải Phòng, tập đoàn cũng đang vận hành một nhà máy thông minh khác tại châu Á về mảng y tế tại Nhật Bản.
Khi sáng tạo đã trở thành truyền thống
“Với sự hỗ trợ của tất cả những công nghệ tiên tiến này, chúng tôi tự tin đặt uy tín công ty vào chất lượng của từng sản phẩm, nhưng trên hết, chúng tôi hướng đến con người. Không chỉ đảm bảo yếu tố an toàn, sức khỏe, môi trường, chúng tôi cùng lao động địa phương từng ngày nâng cao tay nghề, sự tiếp cận với công nghệ số và khả năng thích ứng trước mọi thay đổi. Chúng ta nói rất nhiều về câu chuyện tự động hóa khiến con người mất việc, thế nhưng tại GE Hải Phòng, áp dụng công nghệ cao giúp chúng tôi nâng cao lợi thế cạnh tranh, mở rộng thị trường và thậm chí tạo ra nhiều việc làm hơn. Hiện chúng tôi có hơn 1.000 lao động và đang tiếp tục tuyển thêm 300 lao động nữa. Đổi mới sáng tạo vì một tương lai tốt đẹp hơn không chỉ là tư duy của GE Hải Phòng, mà còn là điều GE trên toàn cầu theo đuổi” - bà Vũ Thu Trang, Tổng giám đốc Nhà máy GE Hải Phòng cho biết.
Trên thực tế, đổi mới sáng tạo không phải là câu chuyện ngày một ngày hai ở GE. Được truyền cảm hứng từ Nhà sáng lập Thomas Edison với việc phát minh ra bóng đèn, GE đã không ngừng mang những phát minh quan trọng đến với thế giới trong suốt 126 năm qua. Hơn sáu thập kỷ kể từ khi đó, GE tiếp tục trình làng động cơ máy bay phản lực đầu tiên vào năm 1941, đánh dấu bước ngoặt trong việc thay đổi cách thức vận chuyển hành khách. Chỉ sau đó 35 năm, tập đoàn mang đến một bước tiến cho y học với công nghệ CT chụp toàn cơ thể chỉ trong ít hơn 5 giây. Thời đại thay đổi, tập đoàn chuyển đổi, GE tiếp tục chứng tỏ sức đổi mới mạnh mẽ với hành trình chuyển đổi thành công ty công nghiệp kỹ thuật số cùng sự ra đời nền tảng Internet ngành công nghiệp Predix, dấu mốc mới khiến mọi người nhớ đến công ty như một nhà khởi nghiệp ở tuổi 124.
Ông Olivier Fontan - Phó Chủ tịch phụ trách Chuỗi Cung ứng toàn cầu, GE Renewable Energy: “Thách thức với chúng tôi không chỉ nằm ở nguồn lực hay cơ sở hạ tầng, quan trọng nhất là sự kiên nhẫn. Chuyển đổi lại một hành trình dài, đòi hỏi rất nhiều thời gian cũng như nỗ lực, và kiên nhẫn là điều không phải ai cũng làm được. Tôi rất mừng vì chúng tôi đã làm được điều đó, với sự cố gắng của hơn 1.000 con người. Mọi người đều thấu hiểu giá trị của việc đổi mới sáng tạo và sẵn sàng để thích ứng với điều đó và thành quả đã bắt đầu đến với chúng tôi”.